Menu

NHẠC PHỤ CỦA TÔI

Ông Đặng Đình Mùa (1925 – 2012) tuổi Ất Sửu, con của cụ ông Đặng văn Quýt và cụ bà Trịnh thị Hạ. Ông sinh ra tại làng Nguyễn Xá – xã Nhân Hòa – huyện Mỹ Hào – tỉnh Hưng Yên. Ông mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ. Đến năm ông 6 tuổi thì mẹ ông tái giá bỏ lại ông bơ vơ trên cõi đời không nơi nương tựa. Nhờ một người cô đã lấy chồng ở làng khác, vì thương thằng cháu côi cút đã đưa về nhà họ Vũ là họ nhà chồng của cô cho làm con nuôi (thực ra là làm kẻ ở chăn trâu, cắt cỏ và làm việc vặt cho nhà họ Vũ).
 

Khoảng năm 1938 năm ông 14 tuổi, ông đã theo ông Vũ Kim Nga vào nam trên một chuyến tàu hỏa. Khi đi ông mang theo một quả mít xanh làm thức ăn. Vì đi trốn vé tàu nên trong suốt hành trình nhiều lần phải chạy và lẩn trốn nhân viêt soát vé. Vào Đà Lạt ông vẫn là kẻ ăn người ở cho nhà họ Vũ, gánh nước, chẻ củi, nấu cơm… và được cho đi học làm nghề thợ giày.

Năm 1946 ông được 21 tuổi, ông lấy vợ là bà Vũ thị Khuê (sinh năm Đinh Mão - 1927). Việc se duyên, xây dựng gia đình của ông cũng do nhà họ Vũ giúp đỡ. Chuyện kể rằng bà mẹ ông Nga thấy cô Vũ thị Khuê, nhanh nhẹn, hoạt bát lúc đó bán hành ngò ngoài chợ Đà Lạt. Bà đã đem lòng quý mến và để ‎‎ý tìm hiểu lai lịch. Bà đã đi cùng cô Vũ Thị Khuê về tận Sài Gòn tìm hiểu gốc gác và cuối cùng đã tác thành cho hai người (1946), tuy nhiên không có đám cưới. (chỉ chừng đó thôi tôi đã cảm nhận được tấm lòng của gia đình họ Vũ đối với cha vợ tôi, xin lưu ý rằng bà Vũ thị Khuê tuy cùng họ Vũ nhưng không có quan hệ gì với nhà họ Vũ của gia đình ông Nga)

Bà Vũ thị Khuê khi lấy chồng về ở cùng với gia đình họ Vũ cũng như là phải làm dâu vậy. Lúc đó trong nhà họ Vũ còn có một cô con dâu là bà Trịnh Thị Bội vợ của ông Vũ Kim Thúy (ông Thúy là em con chú con bác với ông Nga). Chị em bạn dâu ở trong một nhà, bà Trịnh thị Bội ỷ thế hay xét nét bắt nạt bà Khuê dẫn đến hai chị em có nhiều mâu thuẫn, vì vậy hai vợ chồng ông Mùa và bà Khuê xin ra ở riêng, thuê nhà gần tiệm Rồng Vàng – Đường Hàm Nghi – Đà Lạt nay là đường Nguyễn văn Trỗi. Tuy nhiên ông vẫn coi gia đình họ Vũ là thân thuộc của mình nhất là ông Nga và bà mẹ của ông Nga là những người đã cưu mang đưa ông vào Nam và còn xây dựng gia đình cho ông nữa.
Năm 1948 (hai năm sau ngày ở với nhau) ông bà sinh con đầu lòng đó là anh Đặng Đinh Thu (Nhâm Tý-1948).
Năm 1954 dân miền Bắc ồ ạt di cư vào Nam thì ông Vũ Kim Nga lại quay ngược trở lại miền Bắc bỏ lại ông bơ vơ một lần nữa giữa cõi đời mênh mông không người thân thuộc.
Mặc dù nhà họ Vũ vẫn còn có người tiếp quản gia tài của ông Nga đó là ông Vũ Kim Thúy (ông Vũ Kim Thúy là anh ruột của ông Vũ Kim Hồng hiện (2012) đang ở Tà In – Đức Trọng - Lâm Đồng). Những người thân biết ông từ lúc vào miền Nam, đã lần lượt ra đi, khi ông nhắm mắt lìa trần thì chỉ còn ông Vũ Kim Hồng là người tới viếng. Chú Vũ Kim Hồng còn lại là người duy nhất chứng kiến lâu nhất, nhiều nhất, những diễn biến thăng trầm của bố vợ tôi.




Bố vợ tôi sinh hạ được 15 người con, khi ông tạ thế thì còn tổng cộng 10 người 6 trai, 4 gái. Tất cả đều tề tựu bên linh cữu của ông. Con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, chắt nội, chắt ngoại gần 50 người cả con lẫn cháu. Ông tuy ít được học hành và không có vị trí cao trong xã hội, nhưng đám tang của ông nhiều người phải kính nể và ngưỡng mộ. vì con cháu của ông có rất nhiều người được học hành tử tế để trở thành bác sỹ, kỹ sư, luật sư, nhân viên kỹ thuật, thành đạt trong xã hội. Có nhiều người là cán bộ nhà nước, ở nhiều cơ quan đơn vị ngành nghề khác nhau đóng góp nhiều cho cho công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc, vì vậy đám tang của ông có tất cả các quan chức đầu tỉnh và các sở ban ngành của Tỉnh cũng nhưng TP Đà Lạt và các Huyện tới phúng viếng. Một đám tang lớn để tiễn biệt người ra đi về miền cực lạc, trong sự thương tiếc của mọi người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét