Menu

CÂU CHUYỆN ĐÌNH LÀNG TÔI.

           Đình làng Cốc tràng có cách đây hơn 300 năm, không phải chỉ có 3 sắc phong của của vua Khải Định mà còn có sắc phong của những vị vua khác. Hiện đang lưu giữ 6 sắc phong của các triều đại. Vua Thành Thái ban 2 sắc phong vào năm 1889 cách nay 125 năm. Vua Duy Tân ban 1 sắc phong năm 1909 cách nay 115 năm và vua Khải Định ban 3 sắc phong vào năm 1924 cách nay tròn 100 năm.

       Chú ý rằng triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam sử dụng chủ yếu là lịch âm để quản lý thời gian và xác định các ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện quan trọng. Nên tôi cũng chọn ngày âm lịch để viết bài này. Ngày 25/7/ Giáp Tí (1924) đến hôm nay ngày 25/7/Giáp Thìn - 2024 là tròn 100 năm.
      Trong đình thờ 3 vị thần làng là các tướng lĩnh Triều đại nhà Đinh có công lao to lớn với nước với dân, được nhà vua các triều đại phong thần và giao cho các làng xã thờ cúng.



Ba vị thần là:
1/ Dực Bảo Trung Hưng Cả Cung Huệ Trình Tôn Linh Tôn Thần.
2/ Hiển Liệt Phù Hựu Hoằng Huống Thuần Chính Dực Bảo Trung Hưng Linh Ứng Tôn Thần.
3/ Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Trung Quốc Tôn Thần.(Lưu ý rằng: Đây là vị thần có tên là Trung Quốc được gia tặng thêm là: Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng, chứ không liên quan gì đến người Trung Quốc. Cũng giống như tên của đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc vậy.)

Không phải ai trong làng cũng có điều kiện tiếp cận với sắc phong. Tôi nghĩ rằng nhiều người trong làng chưa được nhìn thấy sắc phong thần của làng mình bao giờ. Nên xin được trưng bày lên đây.
Thành Thái Nguyên niên Thập Nhất nguyệt thật Bát Nhật
(Ngày 18 tháng 11 niên hiệu Thành Thái thứ nhất 1889)


Duy Tân Tam Niên bát nguyệt thập nhất nhật
Năm Duy Tân thứ 3- ngày 11 tháng 8 – 1909

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật
Ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Địnt thứ 9 (1924)
Vua Khải Định trong cùng ngày ban 3 sắc phong cho 3 vị thần được trong đình làng 

 Ngoài đình còn 2 bia đá ghi tên những người có công đức, đóng góp tiền của để xây dựng đình được dân làng gọi là hậu thần:

1/ Hậu thần Nguyễn Thị Hiệu - khắc bia đá năm 1711 (cách nay 313 năm).
2/ Hậu thần Phạm Thị Chích - khắc bia đá năm 1724 (cách nay tròn 300 năm).


Năm 2021 nâng cấp sửa chữa di dời Đình sang vị trí mới, đã bỏ đi nhiều câu đối cũ bằng chữ Hán mang nhiều ý nghĩa tâm linh rất đáng tiếc. Ví dụ câu này.
1/ Câu đối ở Chính diện hai trụ đèn thờ:
Tiền nhân kiến tạo Cốc Tràng lưu vạn đại
Hậu duệ di tích cách mạng vọng thiên thu
Đại ý rằng: Người xưa xây dựng đình làng Cốc Tràng lưu lại muôn đời, bây giờ là di tích cách mạng để tiếng ngàn năm.

2/ Câu đối giữa nhìn ta 2 bên trụ đèn

Thánh đức trang nghiêm kim phục kiến
Thần minh linh ứng cổ truyền lai
Đại ý rằng: Ngày nay vẫn chứng kiến cái đức độ sự trang nghiêm và linh ứng của thần từ ngàn xưa truyền lại.

Đình làng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Tỉnh 

Người có công trong việc gìn giữ sắc phong của đình làng trong những năm qua:
              Ông Phạm văn Kiển (1918 – 1997) Người có công giữ gìn 6 đạo sắc phong từ thời kháng chiến chống Pháp, lúc làng tham gia tiêu thổ kháng chiến, sợ giặc Pháp đốt cháy đình thì cháy cả sắc phong. Nên ông đem về nhà chôn dấu trong hũ sành cẩn thận. Sau cải cách, phong trào bài trừ tàn dư phong kiến tất cả những gì liên quan đến vua chúa đều bị người ta đốt sạch. May mắn thay mấy đạo sắc phong này được chú tôi cất giữ cẩn thận. Bây giờ nó là báu vật của làng. Không phải làng nào cũng có, mà nếu có cũng không giữ được qua các thời kỳ kháng chiến và cả thời kỳ đình làng được tận dụng làm kho thóc của hợp tác xã.

         Bác Đào Xuân Tiến, người được giao giữ sắc phong từ 1997 đến nay.


Sợ bài viết dài quá các vị ngại đọc nên tôi có làm sẵn một video, vị nào qqan tâm thì mở xe nha.

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét