Menu

CHÚ TÔI

Chú tôi: Ông Phạm Văn Kiển (30/5/1918 [21/4/Mậu Ngọ] – 26/7/1997 [22/ 6/ Đinh Sửu]). Có lẽ ông là nhà nho cuối cùng của Tổng Cao Mật cũ. Ông được học chữ nho bài bản nhất là người “hay chữ” và “nhiều chữ” nhất vùng. Ông mất đi để lại một khoảng trống mênh mông về nền văn hóa cổ. Đặc biệt là vốn kiến thức về chữ Hán. Ông cũng đã cố truyền dạy cho các con cháu nhưng không mấy người theo đuổi tới nơi. Một kho sách chữ Hán ông để lại, con cháu bây giờ không ai đọc được. Hiện tại số người biết đọc biết viết chữ hán quanh vùng rất ít, nếu có cũng chỉ lõm bõm ở mức độ sơ học chưa hết Tam Tự Kinh.


Tôi là người may mắn được tiếp xúc với ông nhiều và được ông truyền dạy cho chút ít kiến thức về học thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, Bát Quái cũng như Khoa Tử vi lý số. Thời học phổ thông cấp 3, tôi được học tiếng Trung 3 năm, nhưng kiến thức không được bao nhiêu. Khi lên đại học người ta lại dạy tôi Tiếng Nga. Khi ra làm việc thì người ta yêu cầu tôi phải biết tiếng Anh!? Do tiếc cái kho báu tiếng Hán ở nhà nên tôi cố học lấy bằng A tiếng Trung, và rồi cũng chỉ dừng lại ở đây. Thật tiếc là việc mưu sinh kiếm sống khiến tôi không thể tiếp tục theo đuổi mong muốn của mình là lưu giữ vốn kiến thức của cha ông để lại.
Chú tôi dạy dỗ con cháu rất nghiêm khắc. Nguyên tắc của Chú tôi là “Thương cho roi cho vọt”. Đứa nào cũng sợ ông. Hầu như con cháu trong nhà kể cả trai gái đều bị ăn roi mây của ông. Chính vì vậy mà con cháu rất đông nhưng không đứa nào nhiễm phải thói hư tật xấu. Tất cả đều nên người, tuy không giàu có nhưng cũng đủ ăn đủ mặc, không vướng vào các tệ nạn xã hội.




Con cháu ít đứa dám gần gũi trò truyện với ông. Riêng có tôi chưa bị một roi mây nào, chỉ duy có một lần bị nằm sấp dưới sân nhưng lai được tha vì chỉ liên quan đên tai nạn làm “Bể Cái Chum Nước”. Ai muốn xem cái kỷ niệm làm bể cái chum nước của tôi thì bấm “Vào Đây” nha.
Thỉnh thoảng có tiền tôi lại mua cho chú chai rượu. Chú uống rượu vào thì vui vẻ nói chuyện thoải mái. Tôi muốn hỏi gì chú đều giải thích cặn kẽ. Các anh rể và anh con bác tôi cũng như các em con cô tôi đều được chú chỉ bảo nhung không nhiều. Riêng tôi được chú ưu ái cho nhiều sách cổ hơn. Tôi rất trân trọng và gìn giữ như là báu vật thiêng liêng.
Chú là người bảo quản và cất giữ sáu sắc phong của đình làng được các triều đại vua ban cho Đình làng Cốc Tràng. Từ thời kỳ Kháng chiến chống Pháp đến thời kỳ cải cách ruộng đất. Đình chùa miếu mạo tan hoang và cả thời kỳ Hợp tác xã nông nghiệp trưng dụng đình làm kho thóc. Đó là những biến cố thăng trầm của lịch sử. Có giai đoạn người ta tẩy chay tất cả những thứ gì gọi là tàn dư của chế độ phong kiến. Cơ sở thờ tự được coi là mê tín dị đoan đồ tế lễ bị vứt bỏ. Bao nhiêu sách cổ cũng bị đốt sạch.
Ông nhận trọng trách giữ 6 đạo sắc phong này cho làng từ thời kháng chiến chống Pháp. Năm 1997 do tuổi cao sức yếu, thấy mình không sống lâu được nữa ông đã cho mời ông Đào Xuân Tiến tới để ông nói chuyện và giao nhiệm vụ. Việc giao lại 6 đạo sắc phong này diễn ra chỉ có 2 người nhưng hết sức cảm động.
Ông chú tôi mở khóa tủ chè lấy ra cái ống sớ được đựng trong cái túi bằng vải lụa. Ống Sớ to bằng bắp tay dài khoảng 80cm, trịnh trọng mang đến trước mặt Bác Tiến. Ông quỳ hai gối xuống, hai tay đỡ cái ống sớ trên đầu dâng lên cho bác Tiến. (Mặc dù bác Tiến chỉ đáng tuổi con ông). Bác Tiến thấy vậy sợ quá cũng quỳ hai gối xuống và đưa hai tay ra đỡ lấy.




Hiện giờ thì bác Đào Xuân Tiến là người mang trọng trách giữ 6 sắc phong này.
Vua Thành Thái Tặng hai sắc Phong Năm 1889 Kỷ Sửu
Vua Duy Tân ban một sắc phong Năm 1909 Kỷ Dậu
Vua Khải Định ban 3 sắc phong Năm 1924 Giáp Tý
Tổng cộng là 6 đạo sắc phong hiện nay vẫn còn giữ nguyên vẹn.
Có lần Tôi hỏi chú: Trong làng có nhiều người giỏi giang, có người có học hàm học vị quyền chức nữa sao chú không giao cho họ mà lại giao cho bác Tiến? Ông bảo tôi rằng: Bác Tiến là cháu cụ "Tiên Khai" - Cụ Đào Xuân Khai là Tiên Chỉ trong làng - Trước có công lao trong việc giữ gìn và tu sửa đình làng từ thời chống Pháp. Trọng trách này phải giao cho bác ấy mới hợp. Chú còn nói thêm: "Chú giao lại các sắc phong này đúng người là chú đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Có gìn giữ lưu truyền lại được hay không là tùy thuộc các thế hệ sau này". Tôi nhớ có lần nói chuyện về việc sửa đình , ai đó đã kể Câu chuyện cụ "Tiên Khai" mặc áo hồng điều lên chồng nóc đình, khi xuống mọi người trong làng dự buổi chồng nóc đình hôm đó đã tranh nhau xâu xé mỗi người một miếng vải hồng điều ấy mang về nhà lấy "Khước". 
Nhớ chú tôi viết bài này. Con cảm ơn chú vì chú đã chỉ dạy cho con những bài học đầu đời từ thủa ấu thơ. Giờ muốn hỏi thêm cũng không biết Chú ỏ đâu mà hỏi.


“Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ!”

1 nhận xét: