Menu

NGHĨ VỀ CÁI DẬU MỒNG TƠI

      Tôi rất thích thơ của nhà thơ Nguyễn Bính. Thơ của ông mang nhiều nét dân dã thôn quê và nó giống quê tôi nên tôi đọc thơ của ông cứ như thấy hình ảnh làng quê của tôi vậy. Như bài Chân Quê, Mưa Xuân, Lỡ bước sang ngang... Và đặc biệt là bài Cô hàng xóm.
      Thực ra thì Vụ Bản - Nam Định chỉ cách nhà tôi khoảng 80 cây số, vùng đồng bằng Bắc Bộ thường có những nét văn hóa tương đồng. (ông Nguyễn Bính quê ở Vụ Bản - Nam Định). Có điều khi đọc bài Cô Hàng Xóm tôi không hiểu sao cái Dậu Mùng Tơi mà lại gây khó khăn cho tác giả đến như vậy?  
"Giá đừng có dậu mồng tơi, thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng?!... "


 

   Cái dậu mùng tơi ở quê tôi ngày xưa hầu như nhà ai cũng có. Trồng rau thì phải làm cái dậu để ngăn gà, ngăn chó vào phá rau. Có khi để làm cái lối đi cho đẹp người ta cũng làm cái bờ dậu và để làm ranh giới vườn nhà này với nhà kia người ta cũng làm cái bờ dậu. Gieo mấy hạt mồng tơi cho nó leo bờ dậu là có rau ăn. Ngọn rau mùng tơi bò lên mơn mởn, mùa hè cắt mùng tơi nấu canh cua đồng cho thêm quả mướp hoặc mớ bồng khoai ăn thì ngon phải biết. Quê tôi gọi con cua đồng là con "Rốc". Tôi cũng thường đi móc Rốc, đơm Rạm về nấu canh mùng tơi. Rau mùng tơi thì nó mềm mại không còn gai góc gì, và cái dậu thường là thấp bước qua dễ dàng vậy mà sao tác giả bài thơ coi nó là cái vật chướng ngại không thể vượt qua? Tôi đem câu chuyện này hỏi một vị văn sĩ cao niên trong làng văn chương mà tôi quen biết. Ông ấy bảo tôi rằng có nhiều người đặt câu hỏi này rồi. Không ai biết chính xác vì sao Nguyễn Bính không dám bước qua cái dậu mùng tơi. Có thầy giáo giảng văn bị học sinh truy quá nên bí và nói rằng "Cái dậu mùng tơi" này chỉ là tượng trưng cho cái "Nghèo". Thành ngữ "Nghèo rớt mùng tơi" là nghèo đến mức không nuôi nổi thân mình làm sao dám đèo bòng. Nhà thơ nghèo quá nên không dám sang tán tỉnh nàng vì nàng làm nghề ươm tơ dệt lụa cũng chẳng khá giả gì. Chẳng biết có đúng vậy không nhưng cũng là một lời giải thích tương đối chấp nhận được. Nhưng cũng có khi cao hứng mấy ông nhà văn lúc trà dư tửu hậu có vị đã quả quyết rằng tại ông Nguyễn Bính đã lỡ tay hái trộm rau mùng tơi của nhà hàng xóm?!
Hôm đó Nguyễn Bính ra đồng bắt được it cua về định nấu canh nhưng nhà ông không có rau gì để nấu. Nhìn thấy cái bờ dậu nhà hàng xóm có nhiều ngọn rau mùng tơi xanh mơn mởn ông đã hái trộm một ít để nấu canh. Không may cho ông là nhà hàng xóm có hại mẹ con sinh sống, đứa bé hơn mười tuổi còn bà mẹ thì rất chanh chua. Khi về thấy ngọn rau mùng tơi bị ai cắt trộm bà liền "xắn quai cồng" lên để chửi. Chửi như tát nước, giống mấy bà nhà quê mất gà vậy. Làm Nguyễn Bính ở trong nhà không dám ló mặt ra. Từ đấy Nguyễn Bính không dám bước lại gần cái dậu mùng tơi.
Năm năm sau cô bé nhà hàng xóm lớn lên, càng lớn càng xinh đẹp, mặc dù rất thích nhưng Nguyễn Bính vẫn không dám bước qua cái dậu mùng tơi ấy. Có người bạn biết tâm sự của Nguyễn Bính mới nói đùa rằng
Chỉ vì cái dậu mùng tơi
Mà anh không dám sang chơi, đồ hèn
Nguyễn Bính trả lời rằng
Giá đừng có dậu mùng tơi
Thể nào tôi cũng nuốt tươi cô nàng
Sau này viết bài thơ cô hàng xóm mới sửa thành :
Giá đừng có dậu mùng tơi
Thể nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.

Không biết các bạn nghĩ gì về giai thoại này?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét