Menu

LUẬN VẾ SỐ 2 VÀ SỐ 4



Nguyên văn bài viết như sau:
    Theo triết học Đông Phương thì mọi vật bắt nguồn từ Âm Dương . Âm dương sinh tứ tượng, ứng với bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông còn gọi là tứ quý. Tứ tượng sinh ra bát quái (tức là tám quẻ trong Kinh Dịch). Do sự vận động, dịch chuyển mà Bát quái biến hóa 8 lần 8 thành 64 quẻ, ứng với vạn vật và mọi hiện tượng trong xã hội.  Khởi thủy là số 2 ứng với âm dương. Vạn vật như cây, cỏ, chim muông, cầm thú đến con người phần lớn phải có sự kết hợp âm dương mới tạo ra thế hệ mới. Để tồn tại nòi giống cho mùa sau phải có sự phối kết giữa hoa đực và hoa cái. Trong tổ ấm thường phải có 2 con, trống và mái.  Gia đình là tế bào của xã hội khởi nguồn của thế hệ mới cũng bắt đầu từ 2 người, người vợ và người chồng. Số 2 luôn tồn tại trong mọi thực thể như: Quả trứng có lòng trắng, lòng đỏ. Bông hoa nếu không phải loại cây có hoa đực, hoa cái thì phải có nhị hoa và nhụy hoa. Người có 2 chân mới đứng vững. Con chim, con bướm phải có hai cánh mới thăng bằng. Tàu hỏa đường sắt phải có 2 thanh ray. Thanh nam châm phải có 2 cực, cực Nam và cực Bắc. Cục pin, ắc quy hay nguồn điện không có 2 cực âm và dương thì không thể tạo ra dòng điện. Cho đến các hiện tượng tự nhiên như Trời và Đất, ngày và đêm, mặt trăng và mặt trời… Đó là những hiện tượng không thể chối cãi là 2 trong một thực thể. Phải chăng đó là quy luật? Quy luật âm dương hay quy luật đối xứng? Dù là quy luật nào thì cũng phải có sự cân bằng. Con người đã áp dụng quy luật này rộng rãi trong khoa học và trong đời sống xã hội. 
      Còn số 4 ứng với tứ tượng, bảo đảm sự hài hòa đồng bộ mang tính bao quát hơn. Nhà phải có bốn bức tường mới kín. Bàn ghế, giường tủ phải có bốn chân mới đứng vững. Động vật bậc cao có 4 chi bảo đảm một sự vững vàng hoàn hảo. Trong nhân gian những gì hay nhất, quý nhất, hoàn thiện nhất, con người xếp vào bộ 4: Như bộ Tứ linh gồm Long – Lân – Quy - Phụng.  Bộ tứ tuyệt: Cầm - Kỳ - Thi - Họa. Bộ tứ Thuật: Thi – Thư - Lễ - Nhạc. Bộ Tứ bất tử: Thần – Tiên - Phật Thánh. Giáo lý căn bản của đạo Phật có thể thu gọn trong 4 thuyết, 4 chân lý Thánh hay còn gọi là Tứ Thánh Đế: Khổ - Tập - Diệt - Đạo. Trong Nho học có 4 bộ sách quý gọi là Tứ thư: Đại học – Luận ngữ -Trung Dung - Mạnh Tử. Bộ Tứ Bình: Mai – Lan – Cúc - Trúc hoặc Tùng – Cúc – Trúc - Mai tùy theo ước nguyện tinh thần của người chơi tranh gửi gắm cái gì trong bộ tứ bình ấy. Những năm bao cấp người ta còn vẽ bộ Tứ bình là Lúa – Ngô – Khoai - Sắn. Chắc lúc đó, dân ta còn nghèo đói nên người chơi tranh lấy sự no đủ làm trọng. Người con gái xưa hoặc nay đều lấy Tứ đức để rèn luyện thân mình: Công – Dung – Ngôn - Hạnh thời nào cũng quý. Trong xã hội Á Đông Người ta rất coi trọng Tứ Duy là bốn thứ đạo đức để duy trì lòng người gồm: Lễ - Nghĩa – Liêm - Sỉ. Bốn vấn đề này được nói đến rất nhiều trong tủ sách học làm người. Khi nói đến các tầng lớp nhân dân người xưa chỉ dùng bốn chữ: Sĩ – Nông – Công - Thương đó là tứ dân. Đạo Phật cũng chia con người là 4 loại: Tỳ kheo – Tỳ kheo ni – Ưu bà tắc – Ưu bà di, gọi là Tứ chúng bao hàm hết cả mọi loại người trong xã hội. Cụm từ Tứ đại đồng đường, nhắc chúng ta giữ gìn một nền văn hóa đáng trân trọng. Trong một nhà có đến 4 thế hệ cùng chung sống hòa thuận: Ông bà, cha mẹ, con, cháu kể cũng hiếm trong giai đoạn hiện nay. 
      Không chỉ có cái hay nhất mới quy đủ bộ tứ mà cái dở nhất cũng được người đời tuyển chọn cho đủ bộ 4 như bộ Tứ khoái: Ăn - Ngủ - … hoặc  :Tứ chứng nan y gồm bốn bệnh khó chữa. Còn: Tứ Đổ Tường cũng là một bộ gồm: Rượu chè - Cờ bạc - Trộm cắp - Trai gái. Ai mà có đủ bốn món này cũng được gọi là người “Nổi tiếng”. Bộ Tứ khổ gồm: Sinh – Lão - Bệnh - Tử. Nhiều người mê tín dị đoan còn dùng bốn chữ này để làm “Thước đo” một số việc như số thang giường, song cửa sổ, bậc cầu thang… dùng bộ Sinh - Trưởng – Lão - Tử để làm thước đo cho số tán cây cảnh. Dùng bộ: Quỷ - Khốc - Linh - Tính để làm “Thước đo” số chữ đổ thờ cúng…
       Không phải ngày xưa Bộ Tứ có ý nghĩa quyết định trong nhiều lĩnh vực mà ngày nay để giải quyết một số vấn đề lớn trong cơ quan đơn vị người ta thường họp cả bộ tứ: Đảng – Chính – Công – Thanh. Có người nói đùa Bộ tứ là “Tự bố” nhưng chính câu đùa đó đã nhắc chúng ta cảnh giác với kiểu dân chủ hình thức.
      Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn một đoạn văn của Bác Viết về công tác dân vận: “Trời có bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu – Đông. Đất có bốn phương: Đông – Tây - Nam - Bắc. Người có bốn đức: Cần - Kiệm – Liêm – Chính. Thiếu một mùa không phải là trời, thiếu một phương không phải là đất, thiếu một đức không phải là người cán bộ tài đức vẹn toàn.
 Năm 2004 có số 2 và số 4 biểu hiện sự hài hòa cân đối và phát triển hy vọng rằng sẽ có nhiều cái hoàn thiện đến với chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét