Menu

Bố tôi

           

Bố tôi (8/6/1908- 27/7/1991) là một nhà nho, mang nặng tư tưởng nho giáo. Giỏi văn thơ và khéo tay. Tuy giỏi nhưng sinh bất phùng thời. Sinh trưởng trong gia đình trung nông. Vì văn hay chữ tốt nên từng có giai đoạn làm lý trưởng trong thời kỳ Pháp thuộc. Mặc dù làm lý trưởng nhưng ông có tư tưởng chống Pháp và ủng hộ Việt Minh, bênh vực bà con khi bị giặc Pháp càn quét vào làng. Nhà có điều kiện nên ủng hộ kháng chiến gạo thóc, tiến vàng... Có lần vì can ngăn không cho tên quan 3 của Pháp hãm hiếp đứa cháu gái trong họ nên bị tên quan 3 này sai lính dùng chày giã rốc (quê tôi gọi con cua đồng là con rốc) đập vào ngực bị thương nặng. Di chứng đến sau này bị viêm phổi mãn tính.

Tuy nhiên chính vì văn hay chữ tốt và gia đinh khá giả nên suýt phải bỏ mạng sớm trong thời kỳ cải cách. Ông bị bắt , đấu tố vì tội "Cường hào" và thành phần Trung nông. May nhờ có chính sách Sửa sai nên bố tôi được bảo toàn mạng sống. Nhưng ruộng đất và của cải bị tịch thu hết. Sách vở cũng bị đốt sạch.

Sau hòa bình 1954 miền Bắc hợp tác hóa nông nghiệp, ông là xã viên hợp tác xã. Quê tôi bên dòng sông Văn Úc nên có bãi bồi, cây Cói tự mọc rất nhiều. Hợp tác xã cho cắt về chẻ ra phơi khô để dệt chiếu. Bố tôi khéo tay nên được giao công viêc vê đay làm sợi dọc để mắc cửi dệt thành chiếu. 

Cả nhà tôi đều tham gia dệt chiếu giao cho HTX lấy điểm. Tôi cũng tích cực tham gia. Đi học một buổi còn một buổi phải ở nhà đưa cói. Công việc dệt chiếu phải có 2 người, một người cầm Go ngồi trên, còn tôi ngồi dưới cầm cây gậy trúc đưa từng sợi cói vào dàn cửi cho ngươi bên trên dệt và bắt biên.  Ngày phải hoàn thành một đôi chiếu.

Ngoài việc vê đay và dệt chiếu bố tôi còn đan lồng, đan giỏ. Xung quanh vườn nhà đều có tre, quanh năm bóng mát lại là nguyên liệu cho việc đan lát kiếm thêm tiền ăn. Nếu không có nghề phụ thì đói khổ lắm. Vì HTX chia thóc theo công điểm không đủ ăn. 

Ông có thú vui chơi non bộ. Trước sân có làm cái bể nhỏ đắp ngọn núi và hang núi. Đó là hang Quỷ Cốc Tử nơi Tôn Tẫn và Bàng Quyên học binh pháp của Quỷ Cốc tiên sinh. Trong nhà ông đắp ngọn núi Trùng Đài hay còn gọi là Lạc Nhạn Đài. (Sự tích Đài Lạc Nhạn là cái nơi Vương Chiêu Quân nghỉ chân khi bị cống sang Hồ phài đi qua núi. Chỗ ấy rất cao, con chim nhạn bay qua thấy sắc đẹp của nàng Chiêu Quân mà không bay được nữa, nên gọi là Đài Lạc Nhạn)

Trong lúc ngồi vê đay ông làm thơ. Lúc nhà rỗi ông còn đẽo tượng và vẽ tranh. Bức tượng Quan Công ngồi xem sách có Châu Sương đứng bên phải cầm thanh Long đao và Quan Bình đứng bên trái giữ Ấn. Ông phải mài dũa hơn 6 tháng mới thành. Viên đá thì người ta cho còn đồ làm là mảnh máy bay Mỹ bị ta bắn rơi. Cái mảnh máy bay ấy bằng Đuyra rất cứng và sắc, nó không có hình thù rõ ràng vậy mà ông dùng nó làm đồ đẽo tượng, thật ai làm như vậy. Hồi đó nhà quê không biết đến cái máy chụp hình. Bức tranh tự họa ông vẽ cảnh vê đay, Ngôi bên cái guồng quay với những sợi đay dài cuộn tròn lại. Xung quanh có mấy đứa trẻ con nô đùa. Đứa trẻ con nào cũng tới ngắm và nghĩ có mình trong đó. Bức tranh và bộ tượng được để trang trọng.

Tất cả những thứ cùa bố tôi giờ không biết thất lạc nơi nao?! Bộ tượng Quan Công bằng đá cũng không còn nữa. Tôi đi biền biệt mấy chục năm giờ về thu lượm lại chỉ còn vài bài thơ trong trang giấy đã cũ mèm. Tôi xin viết ra đây để bà con nào thích tìm hiểu chuyện xưa. 

Tôi không có ý gì khác ngoài việc, "ôn cố tri tân" không phải nhắc lại chuyện cũ để trách cứ ai hoặc khơi dậy mối thương tâm đau lòng nào đó mà chỉ để hiểu biết hơn về sự thật. Lịch sử không thể nào thay đổi được.


























Thơ dệt chiếu

Biên, rường bốn cõi đã sinh ra
Thảo bì, mộc cốt mới gọi là
Nhĩ mục thông minh người anh tuấn
Muốn chung êm ấm hỏi cùng ta
 
*      *      *       *       *

    Thơ vê đay

Hàng ngày chắp sợi lại se dây
Muôn mối quy đầu lại một tay
Ríu rít yến oanh con cùng cháu
Càn khôn cuồn cuộn một cán quay.
 
*      *       *
    Vầng trời chuyển vận vốn xưa nay
Bao quát sơn hà tựa con quay
Muốn mối một tay vờ quy thuận
Cuồn cuộn trong vòng mãi chẳng say
 
*      *       *

Việc thường chắp sợi lại se dây
Se Đông – Nam Bắc lại se Tây
Vầng trời vận chuyển ngoài vũ trụ
Muôn mối quy về với con quay.

*      *       *
     Guồng tơ chấp chỉ mới xe dây
Chuyển vận vuông tròn lại cuốn quay
Tập trung thu lượm thành một mối
Để rải dài ra mãi đó đây
Lũ trẻ nô đùa, vui thỏa thích
Đứa ngồi, đứa đứng, đứa nằm ngây.
Ngẫm nghĩ cuộc đời vui thế nhỉ
Hòa bình sau chắc sẽ hơn nay.
 
*       *        *
 
Chuột – Voi  thơ.

Chuột cảnh quê mùa nghĩ thảm thay
Cơm chia khủm bát khê cùng sống
Muối đá lưng thìa nghĩ đắng cay
Nông nỗi trời ơi, ai thấu nhẽ
Khát nước thèm cơm mãi thế này
Lao động bảo tồn ngày tám tiếng
Ngờ đâu lật đật suốt cả ngày
Tuổi già xưởng lỏng lưng đau mỏi
Nước lã cầm hơi khỏe có voi.


*     *       *

Thơ lồng giỏ

Công nghệ nhà ta giỏ lại lồng
Trải vòng thu quá lại sang đông
Hết dầm xuân lại sang tầm hạ vũ
Tiếng sấm rền vang trong vũ trụ
Kẻ cầu hiền còn đợi chốn  Long tu.

*      *       *
 Thơ dệt chiếu
    Lên yên dóng ngựa lại ra roi
Tung hoành ngang dọc bốn phương trời
Rẽ gió luồn mây trong tám cõi
Quy mô thảo mộc sắp hàng đôi.
Mỏng dày lành rách ai thường gọi
Trúc ngọc long sàng cũng ngự chơi



 













Tả cảnh cô đi
Cô bước đi không hẹn ngày về
Bao sầu thảm xót thương còn để lại
Đường xa xăm bao chừng quản ngại
Vai gánh gồng đứa con dại theo sau
Tiết đông hàn mây trắng xóa một màu
Nhìn theo mãi lâu lâu mà chẳng thấy
Giọt máu hồng bừng bừng bốc cháy
Ruột quặn đau lúc sẻ gánh chia ly.


*       *       *

Những người cha tóc bạc da chì
Lũ chúng cháu như ri vỡ tổ
Vội trở về trong khi cô ở
Chăn màn đâu giường chiếu nào đâu
Hớt hơ quanh quẩn lại nhìn nhau
Những làn mắt nheo nheo ròng nước
Thôi cũng đành kẻ xuôi người ngược.


*  *       *

    Bởi vì đâu sảy nghé tan đàn
Đứa bất nhân phụ bạc tham tàn
Trời thấu xét lòng người đau đáu
Cháu ghi nhớ cái ngày hai sáu
Là cái ngày cô cháu xa nhau.

*      *       *

Hóa cùng Lai em cố gắng học hành
Để bù đắp những ngày đau khổ
Vì áo cơm vì nơi ăn chốn ở
Xa quê hương, xa cậu lại xa anh
Quý Phúc kia hai lá một cánh
Giờ không biết tính tình sao cả
Biết ở đâu cho nguôi tấc dạ
Việc dưới nhà đã có các anh
Sớm trưa đều cố gắng học hành
Có anh Lạm đề danh bậc nhất
Thi toàn thành chiếm bảng khôi khoa
Mong sao cho chóng hết tháng ba
Cũng có lẽ được dự thi toàn Miền Bắc
Còn các cậu song song khỏe mạnh
Thằng cu Thưởng cười toét cười toe
Chưa cười xong nó đã khóc oe oe
Các chú chỉ lo chòng thằng cháu.
  
Viết hộ cô Khiên-Gửi Chú Luật
 
Năm ất mão, tháng hai, mười tám
Cảnh gia đình lịch lãm vui tươi
Thấy thư mà chẳng thấy người
Vậy nên chị viết mấy nhời gửi đi
ở nhà cũng có mấy kỳ,
thư em cũng có gửi về hỏi thăm
các cô, các bác mừng lòng
các anh các chị thong rong thuận hòa
các em đều giữ nếp nhà
Người học lớp tám người qua lớp mười
Có thằng em Chiển mới rồi
Em phải nghỉ học theo đòi tòng quân
Vừa qua Thủy Nguyên nghỉ chân
Bây giờ không biết chuyển vần nơi nao
Còn chị vẫn ra vào bảo trẻ
Trường lớp nhà ở tạm trong thôn
Sớm trưa giúp đỡ thần hôn
Anh Duy, anh Dẫn vẫn còn nhân công
Chị viết thế em thông cho nhá
Cha mẹ già còn vẫn vui tươi
Có em Nhiễn ít xuống chơi
Chắc là bận việc ở nơi gia đình
Nay em còn ở quân binh
Cho nên phải giữ ngọn ngành trước sau
Sau đây chị dặn mấy câu
Khuyên em ghi nhớ mấy câu cổ truyền
Làm trai chí ở cho bền
Có quyền giúp kẻ dân đen tội tình
Có tiền giúp kẻ cơ bần
Có tài đua đuổi văn minh ở đời
Chị khuên em cói mấy lời
Em nhận được giấy trả lời chị hay.
  
 
  Vịnh cái giỏ đựng ấm nước
 
Giành này giỏ nọ khác gì nhau.
Cớ sao nước uống lại đượm màu.
 Phúc thọ di truyền - nhờ tổ ấm.
Lộc tài tích đức mới bền lâu./.

Cuộc đời của ông có nhiều thăng trầm và chịu nhiều thiệt thòi đau khổ. Nhất là giai đọan cải cách ruộng đất, nhà chỉ có 3 mẫu ruộng (mẫu bắc bộ), ba gian nhà tre, lợp bằng rạ và một con trâu, thế mà bị quy là trung nông, thêm một chức danh Lý trưởng nữa nên bị giam cầm và đấu tố. Sau này sửa sai thì chưa đủ mức độ là Trung nông. Khi được trả tự do ông đã viết lại ngay những diễn biến của thời cải cách, một trang đen tối của lịch sử Việt Nam. Một hạt sạn trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc. Một thời kỳ mà luân thường, đạo lý bị đảo lộn, một sự ngu dốt, điêu ngoa, gian dối,  chưa từng có ở thời đại nào trong lịch sự nhân loại.

Những chuyện mà ông đã phải hứng chịu khi bị chính bà con lối xóm của mình, đấu tố gian dối, điêu ngoa ấy đã được ông viết thành thơ kiểu như nhật ký. Với thể lục bát nói về thời cải các ruộng đất với trên 500 câu thơ, câu mở đầu là:

 Nhật trình này để hậu lai,

Anh em, con cháu cho ai biết cùng....

Xin hẹn các vị vào dịp khác tôi se đăng tạp thơ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét